Hàng triệu trái tim Việt Nam đã cháy.
Tưởng, trong cuộc sống hối hả hôm nay, ai cũng chỉ lo “vợ bịu, con ríu”, nào hay, hàng triệu trái tim Việt Nam đã cháy, sau những lời hống hách, gợi nhớ: đảo xa vẫn “nghênh ngang” hình bóng “cú diều”. Lòng yêu nước trong những ngày cuối năm: điệp khúc mà không hề sáo rỗng; dấy lên mà không lệ thuộc bất cứ một nghi thức bao cấp nào. Dân ta lại yêu nước nồng nàn, đúng như tiên liệu của Hồ Chí Minh, mỗi khi bàn đến vấn đề “đất đai của tổ quốc”.
Giành lại “từng tấc đất thiêng liêng” là khát vọng không hề ngưng nghỉ. Nhưng, “chiến tranh” không phải là phương thức duy nhất để một dân tộc bày tỏ lòng yêu nước của mình. Câu chuyện do ông Nguyễn Trung, nguyên đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, kể, đã trở thành một đề tài gần đây được bàn luận. Theo ông Nguyễn Trung: Trong một cuộc tiếp kiến với thủ tướng Thái Lan, một nhà lãnh đạo ta đã nói: “Chúng tôi tự hào vì đã đánh thắng ba đế quốc to”. Vị thủ tướng Thái Lan nói: “Chúng tôi cũng tự hào vì không phải đánh nhau với đế quốc to nào cả”.
Thái Lan có một “địa chính trị” ít nhiều khác biệt. Và, chúng ta có quyền tự hào về những cuộc “kháng chiến” trong lịch sử của mình, vì những cuộc chiến đó, chủ yếu được tiến hành để đánh đuổi quân xâm lược. Nhưng, những câu chuyện của người Nhật, người Thái trong thời điểm mà các đế quốc châu Âu lùng kiếm thị trường, thuộc địa, không phải là không đáng để cho chúng ta chiêm nghiệm trong những ngày này.
Nguyễn Tri Phương.
Học sử, có lẽ ai cũng nhớ đến sự tuẫn tiết của Nguyễn Tri Phương, khi ông không thể nào giữ được thành Hà Nội (1873). Nhưng, có lẽ ít ai biết được, sáu năm trước đó, ông được xếp chung với Phan Thanh Giản trong “Chiếu buộc tội” của vua Tự Đức, khi để mất ba tỉnh miền Tây.
Lịch sử suốt trăm năm qua chưa bao giờ nghi ngờ gì về tấm gương trung liệt của Nguyễn Tri Phương. Nhưng Phan Thanh Giản thì gần như vẫn bị coi là người bán nước. Phan Thanh Giản không chỉ là người thay mặt Tự Đức ký “Hoà ước năm Nhâm Tuất”, “nhượng” cho Pháp ba tỉnh miền Đông (1862), mà còn là người “thủ hoà” để cho người Pháp thôn tính dễ dàng ba tỉnh miền Tây còn lại.
Ba giờ chiều ngày 20.6.1867, Vĩnh Long chính thức bị người Pháp chiếm đóng, Phan Thanh Giản khi đó đã ngoài 70 vẫn được Tự Đức cử vào Nam để giữ phần đất mà trước đó, một tướng tài như Nguyễn Tri Phương cũng không làm gì được. Phan Thanh Giản đã phải gửi công thơ cho các tổng đốc An Giang, Hà Tiên, nói rằng trước sức mạnh “tàu đồng, súng lớn” của “Phú Lãng Sa” như vậy, hãy giao chính quyền cho họ vì “mỗi lần chiến đấu, là mỗi lần thêm đau khổ”.
Khác với Phan Thanh Giản, sáu năm sau khi trấn giữ thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương cự tuyệt tất cả những điều kiện của Garnier, để rồi bị đánh úp, để Hà Nội rơi vào binh đao của giặc. Nguyễn Tri Phương bị thương nhưng từ chối mọi sự cứu chữa của người Tây, chết sau khi tuyệt thực gần một tháng (1873). Phan Thanh Giản “hoà” vì cho rằng đánh Tây vào lúc ấy cũng ví như “nai bắt cọp”, tang thương ắt hẳn xảy ra mà những tang thương ấy, ông nghĩ, cũng sẽ chỉ “đè lên đầu dân mà trời đã giao cho ta” chăm sóc. Cũng như Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản cũng tuẫn tiết bằng cách uống thuốc độc sau khi tuyệt thực 15 ngày.
Sẽ không thể chia sẻ thực sự câu chuyện này nếu không tham chiếu những bài học mà người Nhật đã từng áp dụng. Trong cái thập niên 50 của thế kỷ 19 mà “giặc Tây” đến nước ta đó, người “Tây” cũng đến Nhật. Chính quyền Tokugawa với những chiến binh Samurai hùng mạnh, vốn vẫn coi Tây là “man di”, đã thức tỉnh khi người Trung Hoa thua Anh trong cuộc chiến tranh Nha Phiến để phải nhục nhã hiến rất nhiều nhượng địa cho “man di”.
Nhưng người Nhật chỉ thực sự thay đổi khi “tàu đồng, đại bác” của Mỹ xuất hiện trước cửa biển. Cũng để khai phá thị trường, nhưng theo cách của những kẻ mạnh, tháng 7 năm 1853, tổng thống Mỹ cho đề đốc Matthew Perry dẫn chiến hạm “Hắc thuyền” đến cảng Uraga. “Bốn chiếc thuyền chạy bằng hơi nước và mấy chục khẩu đại bác của Perry đã làm xáo trộn không khí thanh bình của thành phố Edo” (Nhật Bản cận đại _ giáo sư Vĩnh Sính). Phái chủ chiến không phải là không đòi đánh. Nhưng chính quyền Nhật đã đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, những kẻ mà lâu nay tưởng là man di, té ra đang nắm giữ những tiến bộ mà người Nhật chưa từng nghĩ tới. Người Nhật đã “cúi đầu” chấp nhận “tự do mậu dịch” trước người Mỹ và sau đó, trước cả Anh, Nga và Hà Lan.
Hơn 30 năm sau, trong khi triều đình Huế vẫn chưa thống nhất được chính sách với người Tây, lúc thì “hoà” trong nhục nhã; lúc thì “chiến” trong vô vọng, thì người Nhật đã lại ngẩng cao đầu. Người Nhật, ở trong nước thì duy tân theo chính sách của Minh Trị thiên hoàng, ở bên ngoài thì mở rộng giao thương và gửi người đi khắp nơi tìm học. Trong thập kỷ 80 của thế kỷ 19, khi triều đình Huế thất thủ hoàn toàn, thì ở Nhật, Minh Trị thiên hoàng yêu cầu các nước Tây phương phải ký lại tất cả các thương ước trên một tư thế hoàn toàn khác.
Nói về sĩ khí, có lẽ không mấy dân tộc trên thế giới này có thể so bì với những chiến binh Samurai của Nhật. Nhưng, cái cách người Nhật ứng xử trước đội “Hắc thuyền” của đề đốc Perry và trước thất bại năm 1945, mới thấy, nếu không nghĩ tới quyền lợi dài hạn của dân tộc thì giữ khí tiết, theo một cách nào đó, có thể đem dân tộc mình tới chỗ tự sát. Bạn và kẻ thù chỉ là tạm thời, chỉ có quyền lợi của dân tộc mình là vĩnh viễn, người xưa đã nói như vậy và lịch sử chứng minh, ai nắm được chân lý ấy người đó sẽ chiến thắng.
Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhân những sự kiện mới xảy ra gần đây, đã nhắc lại một kinh nghiệm khắc cốt, ghi xương: “Mỗi quốc gia, dù dưới ý thức hệ nào cũng đều phải lấy lợi ích dân tộc làm điểm xuất phát”. Ông Võ Văn Kiệt là một chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường, đồng thời cũng là người, đã qua các “thăng, trầm” mà trải nghiệm. Năm 1954, đang ở miền Nam, chính những người như ông Kiệt đã hết sức băn khoăn khi ở Geneve, những “người anh em” đã quyết định đặt “giới tuyến”, cho dù chúng ta vừa làm “chấn động địa cầu” sau “Điện Biên Phủ” và chưa có thời gian để biết thực sự “vĩ tuyến 17” nằm ở đâu. Và, nếu không đặt niềm tin quá sâu vào những người có cùng “ý thức hệ”, có lẽ, chúng ta đã phản ứng khác trước các sự kiện biển Đông hồi thập niên 50 và 70.
Nhưng, như tâm sự của ông Võ Văn Kiệt, điều ray rứt nhất, dẫn đến phát biểu đó của ông, là từ những gì mà ông chứng kiến những năm sau 1975. Lịch sử đất nước lẽ ra đã bắt đầu một thời kỳ trọn vẹn thống nhất, cả về giang sơn lẫn lòng người, nhưng sự định đặt khuôn khổ “duy nhất một con đường” cho lòng yêu nước lúc đó, đã khơi thêm không ít vết thương trong lòng dân tộc này.
Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa đã rất hay khi viết, nhà nước dù mạnh tới đâu cũng không thể nói thay tiếng nói của nhân dân. Một nhà nước biết lắng nghe tiếng nói của nhân dân, sẽ nhận được sức mạnh từ lòng yêu nước bắt đầu từ “năm bảy con đường” thay vì từ duy nhất một con đường bao cấp, như lời của ông Võ Văn Kiệt.
Huy Đức, báo SGTT