Trong bài diễn văn tưởng nhớ danh tướng Nguyễn Tri Phương tại buổi lễ đã khẳng định công lao to lớn của danh tướng Nguyễn Tri Phương trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương tên cũ là Nguyễn Văn Chương (1800 - 1873) quê làng Đường Long, xã Phong Chương, huyện Phong Điền; tự là Hàm Trinh, hiệu là Đường Xuyên. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo và là người thông minh, tài năng.
Nguyễn Tri Phương làm quan, giữ nhiều chức vụ quan trọng ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, lập nên những chiến công hiển hách. Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình nhà Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).
Khi quân Pháp tấn công thành Hà Nội vào tháng 11/1873, ông cùng con trai là Phò mã Nguyễn Lâm và binh lính chiến đấu oanh liệt trước sức mạnh của quân Pháp. Phò mã Nguyễn Lâm tử trận, Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông đã tuyệt thực một tháng và mất ngày 20/12/1873.
Lễ kỷ niệm ngày mất danh tướng Nguyễn Tri Phương là dịp để các thế hệ hôm nay và lớp hậu thế, con cháu bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của những người anh hùng nghĩa liệt đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đất nước. Đồng thời, là dịp để tuyên truyền giáo dục và nâng cao tinh thần dân tộc tới mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, góp phần tôn vinh truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, phát huy vai trò lịch sử trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP. Huế) được nghe những công lao mà vị danh tướng đã để lại cho hậu thế
Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể nhân dân xã Phong Chương; Ban giám hiệu, cùng các em học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP. Huế) và Trường THCS Nguyễn Duy, huyện Phong Điền, các tầng lớp hậu thế đã kính cẩn nghiêng mình dâng hoa, nén hương thơm tưởng nhớ tới người anh hùng đất Việt đã một lòng son sắt vì dân, vì nước, cùng sống cùng chết bảo vệ non sông đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo huyện Phong Điền, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Hoàng Văn Thái đã nêu bật tinh thần yêu nước của danh tướng Nguyễn Tri Phương, là bài học quý báu, giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm. Những phẩm chất cao quý của danh tướng Nguyễn Tri Phương đã và đang sống mãi trong lòng người dân Phong Điền nói chung và Phong Chương nói riêng.
Lãnh đạo huyện Phong Điền đề nghị UBND xã Phong Chương là đơn vị trực tiếp quản lý và chăm sóc di tích lịch sử Quốc gia lăng mộ Nguyễn Tri Phương chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích; xây dựng cơ sở hạ tầng, bia biển chỉ dẫn để du khách và người dân đến tham quan, thăm viếng, dâng hương. Xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích với hình thức, nội dung phù hợp để quản lý và khai thác thật khoa học, hiệu quả giá trị lịch sử của di tích, xem đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Huyện Phong Điền đặt mục tiêu phát huy hơn nữa để di tích lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Tri Phương trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương.
Trích nguồn: Tưởng nhớ danh tướng Nguyễn Tri Phương (baothuathienhue.vn)
Link bài gốc: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/tuong-nho-danh-tuong-nguyen-tri-phuong-135857.html