TTO - Đúng 8g sáng nay 1-10, dưới ánh nắng trời thu Hà Nội, bên Tượng đài Đức vua Lý Thái Tổ, Thành phố Hà Nội đã trọng thể tổ chức lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Sau hiệu lệnh “Mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, từ linh khí đất trời, từ hồn thiêng sông núi, đài lửa Thăng Long rực sáng muôn đời”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã châm đuốc thắp đài lửa thiêng của Đại lễ.
Phát biểu khai mạc Đại lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị điểm lại những mốc son lịch sử truyền thống của Hà Nội: “Đúng 1000 năm trước, vào mùa thu năm Canh Tuất 1010, Đức vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô. Từ buổi bình minh dựng nghiệp lớn, từ ánh hào quang của Rồng vàng bay lên trên sóng nước Sông Hồng, Đức vua đã nhìn thấy vầng dương của vận nước: “Thành Đại La ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng chầu, hổ phục, đã đúng ngôi Nam - Bắc - Đông - Tây, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng, tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; đúng là nơi định đô bậc nhất của kinh sư muôn đời”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định cuộc dời đô lịch sử từ vùng đất Hoa Lư núi non trùng điệp về trung tâm châu thổ sông Hồng là bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc Việt Nam, khẳng định ý chí xây nền độc lập, thống nhất quốc gia, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của nước Đại Việt.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị bày tỏ niềm vui khi Thủ đô Hà Nội được đón nhận bằng công nhận của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới.
Ông Nghị khẳng định tiếp sau sự kiện 82 Bia Tiến sỹ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản ký ức nhân loại, sự kiện này thêm một lần khẳng định giá trị đặc biệt của Thăng Long - Hà Nội hơn một thiên niên kỷ qua luôn là trung tâm chính trị quốc gia, trung tâm văn hóa, kinh tế, giao lưu quốc tế quan trọng nhất của đất nước; là minh chứng hùng hồn cho lời khẳng định: “nơi đây là thắng địa”, “nơi định đô bậc nhất của kinh sư muôn đời”.
Trong buổi khai mạc đại lễ sáng nay (1/10), ngoài sân khấu chính (tượng đài Lý Thái Tổ), nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ còn diễn ra tại các sân khấu như ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Tràng Tiền, vườn hoa đền Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và ngã ba Lê Thái Tổ - Hàng Trống.
XUÂN LONG