Người Việt chúng ta bao giờ cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu về tổ tiên, dân tộc, đất nước mình, một trong những việc quan trọng để tự tìm hiểu mình, rút ra bài học rồi từ đó hoạch định con đường tương lai cho mình. Vậy, tìm hiểu, nghiên cứu về Nguyễn Tri Phương cùng nhiều anh hùng, danh nhân khác là việc rất cần thiết phải làm.
Nguyễn Tri Phương xuất thân từ giới bình dân, tuy không đỗ đạt gì nhưng do có tài năng và công lao lớn đã trở thành đại thần rường cột của nhà Nguyễn. Dù vậy, ông không lợi dụng địa vị mình để mưu cầu lợi ích riêng tư, suốt đời thanh bạch, khi chết của cải đề lại cho con cháu chỉ là tiếng thơm. Đặc biệt, ông còn là vị tướng xuất sắc, đứng đầu các vị tướng hồi thế kỷ trước (TK 19), khi cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp bắt đầu. Đến khi vua và số đông đại thần dấn sâu vào con đường chủ hòa, chủ bại, nhượng bộ rồi đầu hàng giặc thì Nguyễn Tri Phương vẫn là người chủ trương kiên quyết dựa vào sức mạnh của quân dân mình, tự mình bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia. Nhưng con người vừa có tâm, có tài đó không thực hiện được hoài vọng của mình, thành Hà Nội vỡ, Nguyễn Tri Phương bị thương, bị đặt trong vòng kiềm tỏa của giặc. Đến cảnh ngộ này ông cảng tỏ rõ khí phách của mình: tự tay vứt bỏ những đồ băng bó, từ chối mọi thứ thuốc men và nhịn ăn cho đến chết. Khí phách đó nhắc nhở vun bồi khí phách Việt Nam xưa, khí phách của những Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu, Đặng Dung...Và chính khí phách đó lại được nối tiếp bằng khí phách của những Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thúc Nhận, Nguyễn Cao, Vũ Hữu Lợi..., cùng nhân dân cả nước. Vì vậy Nguyễn Tri Phương đã chết mà không chết, cuộc đời và cái chết của ông vẫn đem lại sức mạnh, lợi ích cho công cuộc giữ nước của thế hệ sau...
GS. Trần Văn Giàu đã viết nhân dịp xuất bản quyển sách "Nguyễn Tri Phương (1800-1873)" của tác giả Thái Hồng, NXB Đại Học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh năm 2001.